Tụt lợi là gì
30/08/2021
Tình trạng lợi di chuyển về phía cuống răng để lộ bề mặt chân răng được gọi là bệnh tụt lợi, hay còn gọi là tụt nướu răng. Bệnh tụt lợi là biểu hiện của việc mất xi măng chân răng, mòn cổ răng, lộ ngà răng, gây tình trạng ê buốt và mất vẻ đẹp thẩm mỹ.
Tìm hiểu chung
Tụt lợi là gì?
Tình trạng lợi di chuyển về phía cuống răng để lộ bề mặt chân răng được gọi là bệnh tụt lợi, hay còn gọi là tụt nướu răng.
Tụt lợi là biểu hiện của việc mất xi măng chân răng, mòn cổ răng, lộ ngà răng, gây tình trạng ê buốt và mất vẻ đẹp thẩm mỹ.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của tụt lợi
Tụt lợi ban đầu có các triệu chứng như: viêm nướu, sưng đỏ tấy; khi chải răng hoặc cắn phải vật cứng sẽ chảy máu chân răng. Về lâu dài, bệnh tụt lợi gây chảy máu thường xuyên, co tủy răng, hôi miệng, tiết nhiều nước bọt, răng lung lay dễ rụng đi.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nhận thấy sự xuất hiện của các triệu chứng trên thì tốt nhất nên đến ngay phòng khám nha khoa uy tín hay bệnh viện để được kiểm tra, thăm khám và điều trị đúng phương pháp, phù hợp tình trạng bệnh của từng bệnh nhân. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến tụt lợi
Bệnh tụt lợi có những nguyên nhân phổ biến sau đây:
- Viêm lợi, viêm quanh răng: Đặc biệt là những trường hợp kéo dài đã nhiều ngày. Bệnh nhân mắc bệnh tụt lợi trong trường hợp này thường xuất hiện tình trạng viêm nướu, chảy máu nướu răng, sưng nướu và có nguy cơ tụt lợi cả hai hàm răng nếu không được phát hiện sớm.
- Sang chấn khớp cắn: Do lớp xương bên ngoài chân răng quá mỏng dẫn đến sang chấn, tăng sinh biểu mô và gây viêm nướu.
- Răng mọc lệch hàm dẫn đến cọ xát nhiều với phanh môi.
- Hậu quả của việc điều trị vùng quanh răng hoặc điều trị nắn chỉnh răng chưa đúng kĩ thuật.
- Sử dụng bàn chải chà răng quá cứng và chải không đúng cách.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc tụt lợi?
- Những người vệ sinh răng miệng kém, chải răng sai cách.
- Người có tiền sử mắc các bệnh về răng miệng.
- Người có răng mọc bất thường (mọc lệch, hoặc thừa răng).
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tụt lợi
Trước tiên các nha sĩ sẽ tiến hành điều tra bệnh sử và khám tổng quát. Để có được các kết quả chính xác, các bác sĩ sẽ tiến hành cho bệnh nhân chụp X-quang, từ đó đưa ra các chẩn đoán chuẩn xác và giải pháp điều trị phù hợp nhất.
Phương pháp điều trị tụt lợi hiệu quả
Đối với trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể điều trị bằng cách thay đổi bàn chải chà răng mềm, sợi nhỏ và thay đổi cách chải răng khoa học nhất. Nếu có tình trạng ê buốt xuất hiện, bệnh nhân có thể ngâm gel fluor theo chỉ định của nha sĩ.
Trường hợp cổ răng mòn có thể dùng đến các liệu pháp thẩm mỹ.
Phẫu thuật ghép lại phần lợi để che phủ chân răng. Phương pháp phẫu thuật ghép lợi mới nhất được áp dụng đó là phương pháp tái tạo mô có hướng dẫn với màng sinh học.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
- Sử dụng bàn chải mềm với các sợi lông nhỏ, chải răng đúng cách; đồng thời kết hợp với sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn, hàm lượng fluor đạt chuẩn để không những làm sạch mà còn củng cố men răng.
- Khám răng theo định kỳ 6 tháng/lần để làm sạch cao răng, phát hiện các bệnh về răng miệng.
- Tham khảo các chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cần thiết để răng được chắc khỏe.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.